Tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 có thể đạt 8%

Các đại biểu cho rằng Việt Nam cần có chuyển biến thực chất trong việc thực hiện “ba đột phá” về cơ sở hạ tầng, thể chế và chất lượng nguồn nhân lực để thúc đẩy kinh tế phát triển.

Ngày 30-9, Ủy ban Kinh tế họp thẩm tra kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội (QH) về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch năm 2023.

Theo đó, trong báo cáo của Bộ KH&ĐT thể hiện tăng trưởng kinh tế của Việt Nam (VN) có sự phục hồi tích cực kể từ đầu năm. Cụ thể, cả năm dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu so với kế hoạch QH giao; chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế GDP ước tính đạt khoảng 8% (vượt mục tiêu đề ra 6%-6,5%)… Điều này giúp tạo đà quan trọng cho các năm tiếp theo trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của kế hoạch năm năm 2021-2025.

Sự nỗ lực tích cực

Nêu ý kiến tại cuộc họp, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM, đánh giá bức tranh kinh tế năm 2022 có nhiều điểm sáng tích cực. Về con số 8% tăng trưởng GDP ước tính đạt, ông Tuấn thống nhất với nhiều nhận định rằng đây là con số ấn tượng, là “sự nỗ lực rất tích cực”. Tuy nhiên, vị đại biểu (ĐB) QH đoàn TP.HCM cũng cho rằng đây không phải là con số cao khiến chúng ta phấn khởi vì mức tăng trưởng này trên nền cùng kỳ âm rất sâu, tới -6%.

ĐB Vũ Tiến Lộc (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cũng cho rằng đánh giá kỹ thì con số này không phải lạc quan lắm. “Năm 2021 GDP chỉ tăng 2,6%, năm nay tăng 8% thì thực chất cũng chỉ tăng khoảng 6%. Đó không phải là con số để chúng ta quá vui mừng về thành tựu kinh tế. Tất nhiên, trong bối cảnh khó khăn mà duy trì đà như vậy cũng là nỗ lực cố gắng” – ông Lộc nhận xét.

Ông Lộc cũng cho rằng những nhận định của bạn bè quốc tế như “mây đen bao phủ toàn cầu, mặt trời tỏa nắng trên đầu VN” chỉ là cách động viên trong một thời điểm nào đó, ở một góc cạnh nào đó. Chúng ta không nên coi đây là một nhận định của thế giới về một xu thế phát triển của VN, về triển vọng kinh tế của VN.

“Nếu nhìn sâu vào bản chất hệ thống kinh tế của chúng ta thì không phải như vậy. Nhìn vào bức tranh kinh tế phải nhìn vào doanh nghiệp (DN), vì đây là những chủ thể chính của nền kinh tế” – ông Lộc nói.

Ông phân tích khối DN nhà nước hiện nay hiệu quả chưa cao, việc cơ cấu lại làm rất chậm, bao nhiêu lần chúng ta “thúc” cũng không được. Trong khi đó, DN FDI chủ yếu vẫn là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng không cao, đặc biệt là không kết nối được với DN trong nước và không lan tỏa được.

“Hiện nay DN FDI vào họ mang theo cả hệ sinh thái của họ, mang cả DN vừa và nhỏ, thậm chí rất nhỏ của họ vào. Thậm chí DN làm suất ăn công nghiệp cung cấp cho họ cũng mang từ nước ngoài vào luôn, vậy thì làm sao DN Việt lớn lên được” – ông Lộc lo ngại.

Với khối DN tư nhân, DN vừa và nhỏ, ông Lộc đánh giá có nhiều lỗ hổng về quản trị. Khu vực phi chính thức là các hộ kinh doanh thì thiếu động lực để lớn lên trở thành DN. “Với một cơ cấu DN – “cỗ xe tứ mã” thế này thì không thể có được một hệ thống DN cạnh tranh và có một triển vọng phát triển bền vững được. Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật” – ông Lộc nói.

“Cả năm 2022 dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu so với kế hoạch QH giao, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế GDP ước tính đạt khoảng 8%.”

Trong bốn lao động, chỉ một người có bằng cấp

ĐB Vũ Tiến Lộc cũng đánh giá năng suất lao động của VN hiện rất thấp, đứng cuối ASEAN và chuyển biến rất chậm. Đây cũng là chỉ tiêu duy nhất không đạt được theo yêu cầu của QH.

Nói thêm về chất lượng lao động, vị ủy viên Ủy ban Kinh tế cho hay trong bốn người lao động hiện nay chỉ có một người có bằng cấp (được đào tạo nghề hoặc chứng chỉ). “Chúng ta phải đảo ngược lại con số này. Chất lượng lao động như vậy cũng không thể đón được dòng vốn đầu tư có giá trị cao” – vẫn lời ông Lộc.

Đánh giá đây là vấn đề lớn, ông Lộc cho rằng cần phải có chuyển biến thực chất trong việc thực hiện “ba đột phá” về cơ sở hạ tầng, thể chế và chất lượng nguồn nhân lực.

“Gần đây chúng ta nói nhiều đến ước mơ trở thành hùng cường. Điều đó là cần thiết, là khát vọng. Tuy nhiên, điều thôi thúc hơn cả lúc này là chúng ta phải nhắc đến mục tiêu làm sao vượt khỏi bẫy thu nhập trung bình. Có thể thành hùng cường hay không không phải là điều quá quan trọng nhưng vượt khỏi bẫy thu nhập trung bình là vấn đề sống còn của chúng ta” – ông Lộc nhìn nhận.

 

Theo plo.vn