Bao giờ mới lại có thể đổ xăng bình thường?

Hàng loạt cây xăng ở nhiều địa phương gần đây lại tiếp tục treo biển “hết xăng, còn dầu” hoặc “hết xăng dầu”… dù Bộ Công Thương khẳng định không thiếu nguồn cung.

Nhiều người bức xúc đặt câu hỏi khi nào tình trạng “hết xăng, còn dầu” hoặc “hết xăng dầu”… mới chấm dứt và an ninh năng lượng bấp bênh đến bao giờ?

Ai chịu trách nhiệm?

Trả lời VTC News ngày 3/11, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), cho biết ông có theo dõi câu chuyện “trao qua đổi lại ” giữa Bộ Công Thương và Bộ Tài chính những ngày gần đây và thấy rất không ổn. Bộ Công Thương là cơ quan chịu trách nhiệm toàn diện về cung ứng xăng dầu cho toàn bộ nền kinh tế, do đó việc để xảy ra thiếu hụt nguồn cung, bộ này phải chịu trách nhiệm chính.

“Bộ Công Thương chịu trách nhiệm duyệt kế hoạch sản xuất, nhập khẩu, phân bổ, điều tiết xăng dầu… nên không thể đổ trách nhiệm cho các bộ khác. Bộ Tài chính chỉ có liên quan đến việc tính chi phí, giá. Mà chi phí vận chuyển và quản lý đã được điều chỉnh 2 lần gần 2.000 đồng/lít cho mỗi lít xăng RON92… Như vậy là vấn đề chính, chịu trách nhiệm toàn bộ ở đây là Bộ Công Thương”, ông Thịnh nói.

 

Vẫn theo chuyên gia, thực tế cho thấy việc điều hành xăng dầu từ đầu năm đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập; cơ quan điều hành cần linh hoạt, chủ động hơn để đảm bảo cung ứng, tránh việc tắc nguồn cung, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân.

Vấn đề với thị trường xăng dầu hiện nay nằm ở cách quản lý, điều hành, trong có công thức tính giá chưa chuẩn. Ví dụ về chi phí vận chuyển, trước đây phí vận chuyển từ Singapore về Việt Nam khoảng 1 USD/thùng, nay lên gấp 2 – 3 lần song vẫn giữ định mức 1 USD/thùng là không ổn. Hay về tiêu chuẩn khí thải, Việt Nam điều hành giá với xăng dầu theo tiêu chuẩn khí thải Euro 3, trong khi thế giới áp dụng tiêu chuẩn Euro 5 (chênh lệch khoảng 7 – 8 USD/thùng). Như vậy doanh nghiệp nhập khẩu chịu chênh cao quá, nếu cơ quan điều hành không định giá lại thì không thể được.

Bộ Công Thương chịu trách nhiệm duyệt kế hoạch sản xuất, nhập khẩu, phân bổ, điều tiết xăng dầu… nên không thể đổ trách nhiệm cho các bộ khác…

Thứ nữa, thời gian giữa hai kỳ điều hành dài, trong khi giá thế giới biến động liên tục khiến doanh nghiệp nhập khẩu gặp khó khăn. Khi doanh nghiệp nhập khẩu giá cao, bán giá thấp do kỳ điều hành kéo dài vì trùng vào ngày nghỉ, không bám sát giá thế giới sẽ khiến doanh nghiệp nhập khẩu thua lỗ. Điều này dẫn đến việc doanh nghiệp không muốn bán, kìm lại để tránh lỗ. Nhà nước muốn bắt họ bán cũng khó, bởi họ tìm mọi cách để tránh bị phát hiện, xử phạt.

“Nếu chỉ tính tổng lượng xăng dầu nhập khẩu, sản xuất với tổng lượng tiêu dùng thì cân bằng nhau, thậm chí còn dư. Bộ Công Thương dựa số liệu đó để nói nguồn cung đủ thì đúng là đủ rồi. Nhưng ở một số thời điểm nhất định, ở một số địa phương, một số đầu mối bị thiếu…”, chuyên gia nói.

Chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, cũng cho rằng, trách nhiệm chính là của Bộ Công Thương, không thể đùn đẩy cho bộ khác được.

“Trách nhiệm chính trong vấn đề quản lý Nhà nước về xăng dầu là của Bộ Công Thương, không thể đùn đẩy cho bộ này bộ kia được. Vấn đề quan trọng nhất là Bộ Công Thương có kịp thời, nhạy bén nắm bắt thông tin về tình hình kinh doanh xăng dầu trong nước, đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn. Những vấn đề nào vướng mắc, ngoài thẩm quyền Bộ Công Thương thì phải báo cáo Chính phủ để Chính phủ có chỉ đạo, giải quyết”, ông Lâm nói.

Một lãnh đạo doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối cũng cho rằng thị trường xăng dầu trong nước đang có quá nhiều vấn đề. An ninh năng lượng của một quốc gia không thể lúc thiếu, lúc thừa, lúc găm hàng, lúc buôn lậu, lúc thiếu nguồn cung… rõ ràng quản lý vĩ mô cần xem lại.

“Tôi cho rằng cần xem lại chính sách điều hành xăng dầu cấp vĩ mô, gần đây lúng túng sao đó. Nói gì thì nói, đáp số bài toán đang sai. Nhưng sai chỗ nào thì cần các nhà quản lý làm rõ, bởi đáp số sai thì rõ ràng là quá trình giải bài toán phải sai ở đâu đó?”, vị này nói.

Không để tái diễn cảnh “hết xăng, còn dầu”

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, để ổn định thị trường xăng dầu, cơ quan điều hành phải kiểm tra lại toàn bộ nguồn cung sản xuất, nhập khẩu cung ứng cho nền kinh tế; nắm chắc số liệu từ các doanh nghiệp đầu mối, tránh báo cáo số liệu một đằng, thực tế một nẻo, từ đó cân đối để đảm bảo nguồn cung. Chú ý nguồn cung từng địa bàn, từng địa phương khác nhau… và phải có kho dữ liệu để đồng bộ quản lý, điều hành.

Thứ nữa, xem xét lại cơ chế giá cũng như cách thức quản lý xăng dầu để quản lý tốt hơn. Xem lại cách thức tổ chức thị trường xăng dầu hiện nay, từ đó đảm bảo doanh nghiệp có lợi nhuận định mức phù hợp quy định của Nhà nước.

 

Bên cạnh đó, rút ngắn thời gian điều chỉnh xuống 1 tuần hoặc 5 ngày lần. Nếu rút ngắn được thời gian giữa hai kỳ điều hành, có thể bỏ quỹ bình ổn… để xăng dầu theo cơ chế thị trường. Đặc biệt, cần xây dựng thị trường xăng dầu công khai minh bạch.

“Về lâu dài Bộ Công Thương phải xây dựng thị trường xăng dầu mang tính thị trường thực thụ. Việt Nam tự túc được tới 70 – 80% sản lượng xăng dầu tiêu thụ trong nước, chỉ phải nhập khẩu 20%, vậy phải làm sao xây dựng thị trường cạnh tranh đúng nghĩa. Doanh nghiệp đầu mối, phân phối, bán lẻ độc lập với nhau, ai làm tốt thì tồn tại, ai không làm tốt bị đào thải. Không thể cứ đánh bùn sang ao mãi được”, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Liên quan đến đề xuất giao Bộ Công thương quản lý toàn bộ về xăng dầu, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng hợp lý, tránh chồng chéo trong điều hành. Bởi khi giao về cho Bộ Công Thương, cơ quan quản lý từ doanh nghiệp nhập đến doanh nghiệp phân phối, sẽ chủ động và hiểu được cơ chế về chi phí tăng giảm thế nào, từ đó có phương án xây dựng giá tốt nhất.

Bên cạnh đó, trong quá trình kiến thiết lại thị trường và bộ máy một cách linh hoạt, chúng ta có thể cắt giảm bớt chi phí trung gian để doanh nghiệp bán lẻ lẫn người tiêu dùng tiếp cận được mức giá xăng dầu tương đối tiệm cận với giá thế giới mà không bị thiếu hàng hay lỗ lãi thường xuyên.