“Hoa pơ lang” ở Lơ Pang

Với đóng góp này, Trưởng thôn Yôh được người dân ví như bông hoa pơ lang – một loài hoa quen thuộc của đất rừng Tây Nguyên, khi nở sẽ báo những điều tốt lành cho buôn, làng!

Mỏi mòn tà đạo Hà Mòn

Trước đây, đã có một thời, đa số là đồng bào Ba Na ở làng Alao, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai nghe theo tà đạo Hà Mòn. Đây là tà đạo lợi dụng hoạt động tôn giáo để lồng ghép âm mưu chống phá chính quyền, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Cụ thể, từ cuối năm 1999, tại các làng Kơ Tu, Đắc Wơk, xã Hà Mòn, huyện Đắk Hà, Kon Tum, xuất hiện luận điệu tuyên truyền, tung tin “Đức mẹ hiện hình” do một số đối tượng là người dân tộc thiểu số như Y Gyin, Y Kach, A Níp, cầm đầu là Y Gyin dựng lên.

Bằng luận điệu tuyên truyền đánh vào tâm lý của đồng bào, các đối tượng truyền đạo Hà Mòn đã nhanh chóng đưa tà đạo này lan rộng đến nhiều thôn, làng của một số huyện, thành phố, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Gia Lai, trong đó có xã Lơ Pang, huyện Mang Yang.

Những luận điệu xuyên tạc, những trò bịp mà các đối tượng xấu của tà đạo Hà Mòn tung tin ra để lôi kéo người dân phải kể đến như: “Đức Mẹ hiện hình tại Hà Mòn”, “Ai đi theo Đức mẹ Pluk thì sẽ xóa hết nợ nần, không phải lao động vất vả nhưng vẫn có cuộc sống sung túc, giàu sang” (Pluk theo tiếng của người Ba Na là mẹ lớn, lúc ẩn lúc hiện)… Hay các luận điệu tuyên truyền vô lý, chướng tai như “Ai đi qua bước chân của Đức mẹ Pluk thì sẽ được xóa nợ ngân hàng”; “Ai ốm đau, bệnh tật đến với Đức mẹ thì sẽ khỏi bệnh”…

Những luận điệu này mang nặng tính mê tín, dị đoan nhằm lừa bịp những người dân thiếu hiểu biết, hoặc có suy nghĩ đơn giản. Do nhận thức hạn chế nên một số bà con đã tin theo sự bịa đặt, những lời hoang tưởng trên rồi tự bỏ gia đình, bỏ làng và lôi kéo những người khác đi theo. Từ đó, tình hình an ninh trật tự của buôn, làng trở nên bất ổn, nhiều người không lo làm ăn, ruộng nương để hoang hóa, người không đi theo cũng bị ảnh hưởng về tinh thần.

Đến cuối năm 2009, tà đạo Hà Mòn đã phát triển lan rộng đến 5 làng, 2 xã (Hra, Lơ Pang) với 191 hộ/1.007 người tin theo.

Năm 2010 và 2011 có 233 hộ/1.357 người tin theo tà đạo này. Tuy nhiên, sau khi đi theo tà đào, hầu hết người dân đều cảm thấy cuộc sống khốn cùng hơn, Đức Mẹ không thấy hiển linh, giàu sang sung túc không thấy đâu, nợ nần vẫn chồng chất. Nhiều người muốn quay về cũng không về được vì bị nhiều đối tượng ngăn chặn, dọa dẫm.

Trước tình trạng đó, Trưởng thôn Yôh đã phối hợp cùng với già làng, người có uy tín trong cộng đồng thường xuyên đến tận nhà, tận rẫy tuyên truyền, vận động người thân của các đối tượng kêu gọi họ loại bỏ tà đạo, trở về với cộng đồng.

Trưởng thôn Yôh cho biết: “Đối với dân làng mình phải ra sức thuyết phục, vì họ đã tin theo tà đạo nên mình phải từng bước giải thích cặn kẽ. Muốn người dân nghe, dân tin mình phải làm gương để người dân học tập. Qua một thời gian tuyên truyền vận động, người tin theo tà đạo mới hiểu được đó là điều sai trái và từ bỏ tà đạo, về lại địa phương để làm ăn, phát triển kinh tế”.

“Đồng thời, để góp phần làm tăng khối đại đoàn kết toàn dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn mình cũng thường xuyên tổ chức các cuộc họp làng để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con. Kịp thời phản ánh, tham mưu cho UBND xã giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân trong làng. Trực tiếp tham gia vào việc giải quyết những mâu thuẫn, bức xúc của bà con. Đến nay, làng Alao đã không còn người nào tin theo tà đạo, mọi người tu chí làm ăn, phát triển kinh tế” – Trưởng thôn Yôh cho biết thêm.

Giờ đây, khi thoát khỏi tà đạo này, bà con đã trở về bên vòng tay của gia đình, ăn năn hối cải quay về làm ăn lương thiện, hòa nhập với cộng đồng. “Cuộc sống bây giờ rất thoải mái, tốt đẹp. Hằng ngày tôi lên rẫy chăm sóc mì và cùng vợ nuôi dạy con cái. Mong rằng, người dân trong làng hãy chăm lo làm ăn, đi theo con đường đúng đắn, đừng bao giờ đi theo con đường lạc lối như tôi trước đây”, ông Jưr – một người từng theo tà đạo chia sẻ.

Chăm chỉ tăng gia sản xuất

Người dân ở xã Lơ Pang dọn vệ sinh các khu vực công cộng trong phong trào xây dựng cuộc sống mới. Ảnh: Hải Phong

Ngoài những tấm gương giỏi tuyên truyền, vận động người dân trong công cuộc rời bỏ tà đạo trở về với đời sống bình thường như Trưởng thôn Yôh thì trong công cuộc phát triển kinh tế hướng đến xóa đói giảm nghèo, tỉnh Gia Lai cũng có nhiều tấm gương phát triển kinh tế giỏi, vươn lên từ khó khăn. Tiêu biểu như ông Hnhrao, giáo dân tiêu biểu làng Kon Rơng Dram (xã Hà Đông, huyện Đak Đoa). Từ chỗ thoát nghèo, đến nay, gia đình ông hiện có 6 sào lúa ruộng, 2 ha keo lao, 4 con trâu và 10 con heo thịt. Hay ông Ra Lan Yơk, Trưởng ban Chức việc giáo xứ Phao Lô, xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) cũng có thu nhập 170 triệu đồng/năm từ diện tích 1 ha cà phê, 4 sào lúa nước, 3 sào mỳ (sắn)…

Cùng với việc phát triển kinh tế – xã hội, đồng bào Công giáo trên toàn tỉnh Gia Lai cũng thực hiện rất tốt các phong trào như: Phong trào đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; Phong trào đoàn kết xây dựng trật tự xã hội; Phong trào đoàn kết đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục-y tế; Phong trào đoàn kết bảo vệ môi trường; Phong trào đoàn kết thực hiện chương trình dân số; Phong trào đoàn kết thực hiện nghĩa vụ công dân; Phong trào đoàn kết đẹp trong bác ái yêu thương; Phong trào đoàn kết đẹp trong nếp sống đạo.

Phát huy các kết quả đạt được, được biết, thời gian tới, tỉnh Gia Lai tiếp tục đề ra những phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục tăng cường, mở rộng và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương giáo. Tuyên truyền sâu rộng phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo, phát huy tinh thần bác ái, yêu thương bằng những hành động cụ thể trong lao động sản xuất, học tập; triển khai sâu rộng trong đồng bào Công giáo nội dung các phong trào thi đua. Tăng cường đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn để đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững… Chú trọng thực hành dân chủ, giữ vững kỷ cương, sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật.

Tại hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo tỉnh Gia Lai (giai đoạn 2017- 2022), bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết: Phát huy những thành quả đã đạt được, tôi mong muốn rằng trong thời gian đến với vai trò và uy tín của mình, quý vị chức sắc, chức việc, tu sỹ và giáo dân tiêu biểu sẽ tiếp tục phát huy những giá trị tốt đẹp, nêu cao tinh thần trách nhiệm công dân, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước.

“Phấn đấu ngày càng có nhiều giáo xứ, quý chức sắc, chức việc, nam nữ tu sỹ, giáo dân trên địa bàn tỉnh là những gương điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ môi trường. Tiếp tục vận động bà con giáo dân sống “tốt đời, đẹp đạo”, “kính Chúa, yêu nước”, thực hiện đường hướng của giáo hội “sống phúc âm trong lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” và chỉ dẫn của Giáo hoàng “người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt”.

Từ đó, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng tỉnh Gia Lai ngày càng giàu đẹp”, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết thêm.

Qua những năm được “giải cứu” khỏi tà đạo Hà Mòn, được tuyên truyền giáo dục pháp luật, được hưởng những chính sách tốt về phát triển kinh tế, hầu hết đồng bào ở Gia Lai nói chung và huyện Mang Yang nói riêng, người theo tà đạo này không còn tin vào các luận điệu tuyên truyền của số đối tượng cầm đầu. Bà con đồng bào không còn tập trung đông người nhóm tụ họp trái phép trong làng hoặc bị đối tượng lẩn trốn khống chế, lôi kéo ra rừng… Các gia đình đã chăm lo lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình; mối quan hệ giữa quần chúng nhân dân với cấp ủy, chính quyền và cộng đồng làng đã từng bước được cải thiện.