Trường Trung cấp Kinh tế – Kỹ thuật tỉnh An Giang với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm

Trong 10 năm qua, Trường đã đào tạo nghề ngắn hạn là 9.216/9.360, đạt tỷ lệ 98,46%. Sau khi tốt nghiệp, học viên làm việc ở công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp tư nhân tại địa phương và một số làm việc tại nhà. Bình quân số học viên tốt nghiệp hàng năm đều có việc làm ổn định chiếm tỷ lệ từ 80% trở lên. Riêng trong năm 2020, do dịch Covid-19 nên trường tiến hành đào tạo bắt đầu vào tháng 6/2020 nhưng tỷ lệ đạt được khá cao là 91,4%.

Trong quá trình tổ chức lớp nghề, trường đã xây dựng nhiều mô hình nuôi, trồng, cung ứng dịch vụ có hiệu quả cao như: về Nông nghiệp có lớp Kỹ thuật trồng và thiết kế vườn, kỹ thuật sản xuất và nuôi ếch, kỹ thuật sản xuất và nuôi lươn. Về phi nông nghiệp, có lớp Kỹ thuật phun thuốc và sữa chửa máy phun thuốc bảo vệ thực vật, may công nghiệp và xây dựng dân dụng (sát hạch tay nghề).

Những mô hình kể trên đã giúp cho 4.038 học viên sau khi qua đào tạo đã có những tiến bộ rõ nét về kiến thức, kỹ năng lao động nên năng suất được nâng cao so với trước. Ngoài ra, công tác đào tạo nghề còn kết hợp kinh phí từ mô hình giảm nghèo bền vững cho người lao động có thêm nguồn vốn mua cây, con giống, phương tiện lao động sản xuất từ đó thoát nghèo bền vững.

Là một trong những học viên đã được học tại trường và có việc làm ổn định, anh Võ Văn Beo – hiện ngụ xã Bình Thủy, huyện Châu Phú cho biết:“Trong thời gian học, tôi được trường tạo điều kiện vừa học vừa làm giúp thêm thu nhập kinh tế cho gia đình và tôi được Trường giới thiệu Công ty Cổ phần Nông dược ANT ở Cần Thơ vừa học vừa làm, đến nay tôi cũng làm tại Công ty đó, có được mức lương ổn định từ 8.500.000 đồng đến 10.000.000 đồng đủ để lo kinh tế cho gia đình”.

Để học viên học nghề xong có việc làm ổn định, trường đã gắn bó với các doanh nghiệp để đào tạo đặt hàng theo Quyết định số 1593 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang như: Công ty Trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu may mặc Khang Ngọc, Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại – dịch vụ và sản xuất Hồng Ngọc, Công ty cổ phần chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản Hòa Phát, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên xuất nhập khẩu thủy sản Đông Á, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bình Long, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên xuất nhập khẩu may mặc Minh Khánh Hòa, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Everwill Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư và phát triểnmột thành viên xuất nhập khẩu Mê kông,… Tính đến thời điểm này, trường đã đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp là 727 học viên và tất cả học viên đều có việc làm ổn định. Thu nhập bình quân của người lao động khoảng từ 4.500.000 đồng/tháng trở lên.

Đặc biệt từ năm 2018 đến nay, trường đã ký kết hợp đồng với công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nuôi trồng thủy sản Nam Việt Bình Phú tổ chức đào tạo theo Quyết định số 3373 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang 3 lớp nghề Trung cấp Nuôi trồng thủy sản, với 76 học sinh gắn với nhu cầu việc làm của công ty, tháng 12 năm 2020 sẽ tốt nghiệp 2 lớp là 48 học sinh và công ty sẽ nhận vào làm việc tại công ty 100% lao động qua đào tạo nghề. Thu nhập bình quân của người lao động khoảng từ 5.000.000 đồng/tháng trở lên.

Theo Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Châu Phú lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025, khâu đột phá đầu tiên mà trong Đảng bộ có đề ra là “tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và đẩy mạnh áp dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp”. Từ đó cho thấy, thế mạnh phát triển kinh tế của huyện Châu Phú là ứng dụng khoa học công nghệ vào trong phát triển nông nghiệp. Trường Trung cấp Kinh tế – Kỹ thuật An Giang được đặt tại huyện Châu Phú, đây là cơ hội để Trường có thể tham gia, góp phần vào phát triển nguồn nhân lực cho huyện trong thời gian sắp tới. Để thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ, Trường cũng đã định hướng nhiều mục tiêu để thực hiện đến năm 2025, ông Trần Thế Vỹ – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế – Kỹ thuật An Giang cho biết:“Thứ nhất, Trường sẽ đào tạo những ngành nghề để thúc đẩy sự phát triển kinh tế tại địa phương, trong đó chú trọng chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp áp dụng công nghệ mới theo định hướng của địa phương theo nhu cầu của thị trường lao động, liên kết đào tạo theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng. Thứ hai, Trường sẽ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ kỹ thuật và kỹ năng để đưa vào liên kết đào tạo cao hơn. Thứ ba, xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về lượng, đảm bảo về chất để đáp ứng theo yêu cầu của thị trường. Thứ tư, phối hợp với Ủy ban nhân dân xã, thị trấn, doanh nghiệp để nắm bắt tình hình của người lao động sau khi họ học nghề, để từ đó về phía nhà trường kịp thời có những giải pháp tốt hơn. Thứ năm, hằng năm Trường sẽ tổ chức ngày Hội việc làm cho người lao động để người lao động có cơ hội tìm đến doanh nghiệp, các công ty trong và ngoài tỉnh, trong đó có thể đáp ứng xuất khẩu lao động”.

Với kết quả đó, nhiều năm qua công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn từng bước nâng cao chất lượng nguồn lao động khu vực nông thôn, góp phần nâng cao nhận thức, thói quen canh tác, tác phong làm việc của lao động nông thôn theo hướng tiếp cận với tác phong làm việc công nghiệp. Thông qua học nghề, người dân nông thôn đã ứng dụng kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng hàng hóa và dịch vụ, nâng cao thu nhập, từng bước giảm nghèo và giảm dần khoảng cách chênh lệch thu nhập giữa nông thôn và thành thị, góp phần giải quyết việc làm, ổn định tình hình trật tự xã hội của địa phương./.

Ngọc Mai (Đài Truyền thanh huyện Châu Phú)