An Giang là một trong hai tỉnh của Đồng bằng sông Cửu Long có địa hình vừa đồng bằng, vừa đồi núi

An Giang là một trong hai tỉnh của Đồng bằng sông Cửu Long có địa hình vừa đồng bằng, vừa đồi núi.

Địa hình đồi núi có diện tích là 33 ha, chiếm gần 10% diện tích tự nhiên của tỉnh, phân bố tập trung chủ yếu ở hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên

Địa hình đồi núi phân bố về phía tây nam của tỉnh giáp với tỉnh Kiên Giang và thành phố cần Thơ. Trong dãy địa hình đồi núi này nổi bật lên là các ngọn núi như: núi Sam, núi cấm, núi Sập, núi Cô Tô… Các ngọn núi này được xem là nóc nhà của Đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây còn được gọi là vùng Thất Sơn với bảy ngọn núi lớn: Núi cấm (Thiên Cẩm Sơn), Núi Dài Năm Giếng (Ngũ Hồ Sơn), Núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn), Núi Dài (Ngọa Long Sơn), Núi Tượng (Liên Hoa Sơn), Núi Két (Anh Vũ Sơn), Núi Nước (Thủy Đài Sơn). Nơi đây có những điều kiện rất thuận lợi để phát triển du lịch. Thẩm thực vật trên các ngọn núi rất đa dạng và là nơi có khí hậu rất trong lành, điều kiện này rất phù hợp để phát triển du lịch sinh thái với các loại hình du lịch như: thưởng ngoạn phong cảnh vùng núi, các môn thể thao như leo núi. Ngoài ra, vùng Bảy Núi còn là nơi có nhiều lễ hội, phong tục… đặc thù của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ, như lễ Chol Chnam Thmay, lễ Pha Chum Bênh (tức lễ Đôn Ta)…và đặc biệt hơn cả là lễ hội Đua bò Bảy Núi,…

Địa hình đồng bằng là toàn bộ phần đất còn lại với diện tích khoảng 305 nghìn ha, chiếm gần 90% diện tích của tỉnh và được chia làm hai khu vực:

+ Cù lao: gồm bốn huyện nằm kẹp giữa sông Tiền và sông Hậu (An Phú, Tân Châu, Phú Tân, Chợ Mới).

+ Vùng Tứ giác Long Xuyên: Bao gồm thành phố Long Xuyên, thị xã Châu Đốc, các huyện Châu Phú, Châu Thành, Thoại Sơn và phần đất thấp còn lại của hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên.

Địa hình đồng bằng ở An Giang là một vùng lãnh thổ rộng lớn, trù phú và đông dân, khí hậu ổn định và ít xảy ra thiên tai nên khu vực đồng bằng có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Trong đó, đáng kể là tiềm năng du lịch sinh thái dã ngoại, cảnh quan thiên nhiên gắn với vùng sông nước miệt vườn; du lịch cộng đồng trên cơ sở phát triển làng nghề cổ truyền với nhiều lễ hội truyền thống đặc trưng.

Vùng tứ giác Long Xuyên chịu ảnh hưởng của lũ nên cũng có những điều kiện nhất định để phát triển du lịch. Vào mùa lũ, vùng này có tài nguyên sinh vật vô cùng phong phú, đặc biệt là các loài thủy sản nước ngọt ở thượng nguồn đổ về. Với điều kiện này là cơ sở quan trọng để phát triển du lịch mùa nước nổi.

  • Đất đai An Giang được chia làm các nhóm chính: Đất phèn, đất phù sa, đất phù sa cổ, đất thềm Nhìn chung đất đai ở An Giang thuộc loại đất tương đối tốt, giàu dinh dưỡng, có khả năng thích họp với nhiều loại cây trồng khác nhau. Ngoài chức năng chính phục vụ cho sản xuất nông, lâm nghiệp, dùng để làm nhà ở thì đất cũng có vai trò quan trọng trong phát triển du lịch, là mặt bằng bố trí các khu du lịch, nối các tuyến điểm với nhau.

Tài nguyên khí hậu tỉnh An Giag

Giới hạn trong hệ tọa độ khoảng từ 10°12′ đến 10°57′ vĩ Bắc do đó An Giang có khí hậu mang tính chất cận xích đạo với đặc điểm là nóng, ẩm quanh năm, nhiệt độ trung bình là 27°C. Khí hậu được chia làm hai mùa: mùa khô (từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau) và mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 11).

Khí hậu An Giang là khí hậu nhiệt đới gió mùa, mang tính chất cận xích đạo với lượng mưa tương đối lớn, độ ẩm dồi dào. Mùa khô ở An Giang tuy kéo dài nhưng đó là điều kiện thuận lợi để phơi sấy sản phẩm của ngành nông nghiệp. Đồng thời vào mùa khô, khí hậu cũng thuận lợi cho việc phát triển du lịch. Phần lớn khách du lịch đến An Giang vào mùa khô. Các lễ hội lớn ở An Giang cũng diễn ra phần lớn vào mùa khô.

Tài nguyên nước dồi dào của Tỉnh

  • Nguồn nước mặt: Tài nguyên nước mặt có sông Tiền, sông Hậu với lưu lượng khá lớn, đủ sức chuyển tải nguồn nước đến các vùng sâu thông qua mạng lưới kênh rạch chằng chịt. Lưu lượng và trữ lượng nước mặt ở An Giang khá dồi dào, hàng năm mùa lũ bắt đầu từ tháng 7 – 8 khi nhiễu động nhiệt đới hoạt động gây ra mưa to và dài ngày, làm xuất hiện những trận lũ đầu mùa.
  • Nước ngầm: Nước ngầm có trữ lượng dồi dào, toàn tỉnh có 7.133 giếng khoan nước dưới đất hiện đang khai thác sử dụng.

Tài nguyên nước trên bề mặt bao gồm mạng lưới sông ngòi, ao, hồ nước ngọt và nước mặn. Nó có ý nghĩa lớn trong việc cung cấp nước cho các khu du lịch, phát triển các loại hình du lịch đa dạng như du lịch xuồng, ghe, sông nước… Nguồn nước ngầm cũng có tác dụng phục vụ khách du lịch, đặc biệt là tác dụng chữa bệnh.

An Giang giàu đẹp

Tài nguyên sinh vật cây cối động thực vật ở An Giang

  • Thực vật: Thảm thực vật ngập nước chiếm ưu thế là tràm, phát triển ở vùng ngập nước, bưng trũng đất phèn và than bùn ở huyện Tri Tôn và huyện Tịnh Biên.

Ngoài tràm, còn có hơn 100 loài thực vật thuộc các họ khác nhau, trong đó nhiều loài có giá trị phát triển và khai thác như: chà là nước, mốp, trâm sẻ, trâm khế, sộp, mây nước, nắp bình, bòng bòng, choại, bồn bồn…. Thảm thực vật đồi núi tập trung chủ yếu ở vùng Bảy Núi thuộc huyện Tri Tôn, huyện Tịnh Biên và một phần thị xã Châu Đốc, huyện Thoại Sơn. Thảm thực vật ở đây thuộc kiểu rừng kín nửa rụng lá ẩm nhiệt đới có cấu trúc ba tầng rõ rệt, phong phú về chủng loại, có nhiều loại cây quý hiếm như: mật, căm xe, giáng hương, dầu, sao, tếch… Rừng Tràm Trà Sư là nơi lưu giữ sự đa dạng sinh học của tỉnh. Đây cũng là khu bảo tồn thiên nhiên và là khu du lịch nổi tiếng của tỉnh An Giang.

  • Động vật: Hệ động vật ở An Giang rất phong phú. Ở các vùng ngập nước thì có nhiều tôm cá và nhiều loài chim cò, đặc biệt có cả cá sấu, nhiều nhất là ở khu vực sông Vàm Nao. Cùng loài bò sát với cá sấu, vùng nông thôn ngập nước ở An Giang còn có nhiều loài rắn như rắn nước, rắn bông súng, rắn ri voi, ri cá, rắn râu, rắn mối, rắn trun, rắn hổ, rắn lục, rắn máy gầm… Với những cánh đồng bạt ngàn, An Giang là nơi sinh sống của nhiều loài chim hoang dã như: sẻ, chào mào, chích chòe, sậu, sáo, cồng cộc, le le, vịt trời, cò trắng, cò ma, cò bộ, cò lửa, diệc, cuốc, trích…

Ở An Giang, khu bảo tồn rừng tràm Trà Sư là nơi có nhiều điều kiện phát triển du lịch nhất nhờ tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng. Rừng tràm Trà Sư là điểm đến lý tưởng đối với các nhà nghiên cứu và những người đam mê động vật hoang dã. Ngoài ý nghĩa về mặt bảo tồn, rừng tràm Trà Sư còn chứa đựng những yếu tố văn hóa tiềm ẩn rất độc đáo và phong phú. Quanh khu rừng có nhiều đồng bào Khmer và Kinh sinh sống với các ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống như dệt thổ cẩm, lụa Khmer, nấu đường thốt nốt, tinh cất tinh dầu tràm, nuôi mật ong…

Xem thêm:

du lịch núi Cấm An Giang