Tấm gương Hiệp sĩ công nghệ thông tin – Nguyễn Công Hùng (1982-2012)

Sức ảnh hưởng và lan tỏa của chàng hiệp sỹ công nghệ thông tin tật nguyền Nguyễn Công Hùng rất lớn, dù anh ra đi ở tuổi 30, (31-12 năm 2012)- cách đây 9 năm. Xin chia sẻ lại về anh như một tấm gương đầy nghị lực để truyền cảm hứng cho tất cả chúng ta

Những nội dung chính trong bài

Gia đình là điểm tựa

Nguyễn Công Hùng sinh năm 1982 trong một gia đình công giáo ở xã Nghi Diên, Nghi Lộc, Nghệ An. Hai năm sau sinh, Hùng bị sốt, bại liệt, mất khả năng vận động. Đến tuổi đi học, Hùng phải theo học lớp dành cho trẻ khuyết tật. Bố mẹ thay nhau đưa đón Hùng đi học suốt bảy năm trời.

Dù thời gian đi học luôn đứng đầu lớp nhưng năm lớp 7 Hùng buộc phải thôi học. Sức khỏe đi xuống trầm trọng, gia đình thường xuyên đưa Hùng đi cấp cứu nên việc học đành bỏ dở. Ông Nguyễn Công Lịch, bố của Hùng kể lại trong cuốn kỷ yếu Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 1997-2009, “tôi tìm mua đầu video cho con xem, xem mãi cũng chán thì mua máy chơi game. Thế rồi, một hôm cháu đề nghị “xem tivi thấy họ nói về máy tính hay quá, cha mua cho con nhé”. Lúc đó tôi vẫn nghĩ máy tính là thứ xa vời quá. Tôi hỏi linh mục Nhàn, cha động viên cứ mua, có gì cha sẽ giúp. Thế là tôi bán hết đầu video, máy chơi game và nhờ người thành thạo ra Hà Nội mua máy về cho cháu. Đó là ngày 2/9/2001”.

Nguyễn Công Hùng tiếp xúc với máy tính từ đó. Mỗi ngày từ 6h30 đến 23h, Hùng dính với máy tính. Anh tự tìm tòi, mày mò tự học, khám phá qua sách vở, tìm hiểu qua các tài liệu hướng dẫn về vi tính. Linh mục Trần Xuân Nhàn, Thư ký đại chủng viện Vinh Thanh – nơi Hùng sinh sống là người đầu tiên hướng dẫn Hùng cách tắt, mở và sử dụng những chương trình cơ bản. Những kiến thức về tin học của ông không đủ đáp ứng sự đam mê tìm hiểu thế giới máy tính của Hùng nên mỗi chuyến đi xa ông lại tìm mua cho Hùng những cuốn sách, CD hướng dẫn học hoặc sử dụng các phần mềm máy tính. Cuốn sách đầu tiên mà Hùng đọc và học tập là “Vi tính thật là đơn giản” của Dương Mạnh Hùng – một người không chuyên nhưng yêu tin học viết. Ngoài ra, Hùng đặc biệt yêu thích bộ đĩa chứa nhiều tiện ích và chương trình ứng dụng của Lê Hoàn và Phạm Hồng Phước. Đến khi hòa mạng, được tiếp cận và khai thác internet, Hùng càng đam mê, suốt ngày ngồi bên máy tính, cài đặt, khắc phục sự cố và chương trình bị lỗi phần mềm, chương trình đồ họa.

Trong góc một ngôi nhà lát gạch, thân hình chưa đầy 12kg của Hùng phải dựa vào những chiếc gối mềm đồng thời chân trái gập làm điểm tựa cho đầu nhưng bàn tay thường xuyên hoạt động. Thường thì một giờ anh phải nằm xuống 20 phút, nhờ bạn trở mình hai lần. Hôm nào bận việc thì làm việc luôn tù tì đến trưa. Đêm làm tới 12h mới đi ngủ. Sáng dậy vào máy luôn mặc dù khi bấm ngón tay vào con chuột là cả cánh tay nhức nhối. Nhờ tình yêu, niềm đam mê với máy tính, Hùng bắt đầu viết lên một trang đời đẹp, đầy nghị lực và lòng nhân ái như anh từng tâm sự: “Trên cơ thể mình chỉ có cái đầu hoạt động và con tim đập nhẹ, một bàn tay mấp máy nhấp chuột, còn dường như mọi thứ đã chết nhưng chỉ cần như vậy thôi thì cuộc sống vẫn tươi đẹp”.

Bác sỹ máy tính

Khi tiếp cận với internet, một chân trời kiến thức đã mở ra với Nguyễn Công Hùng, anh kiên trì mò mẫn khám phá các webisite. Sau một thời gian Hùng đã có vốn kiến thức kha khá và trở thành bác sỹ máy tính. Trong số những người tìm đến nghe Hùng hướng dẫn có cả linh mục Nhàn – người thầy đầu tiên chỉ dẫn Hùng tiếp cận máy tính. Nhiều tu sinh sau giờ lên lớp cũng đến gặp Hùng hỏi cách sử dụng máy tính, các phần mềm hay khắc phục các sự cố máy tính. Ngay UBND xã cũng có lần phải cần đến sự giúp đỡ của Hùng khi máy tính của họ bị lỗi font và khai báo sai thông số máy in.

“Trên cơ thể mình chỉ có cái đầu hoạt động và con tim đập nhẹ, một bàn tay mấp máy nhấp chuột, còn dường như mọi thứ đã chết, nhưng chỉ cần như vậy thôi thì cuộc sống vẫn tươi đẹp”.

Mùa hè năm 2002, thanh thiếu niên tụ tập về nhà Hùng rất đông, khuyết tật có, lành lặn có. Tất cả đều được Hùng hướng dẫn sử dụng máy tính. Một số gia đình trong xóm chủ động đưa con tật nguyền đến nhờ Hùng chỉ cho cách đánh máy tính. Năm 2003 Hùng lập nhóm “Nối vòng tay lớn”, lập website http://conghung.com để truyền đạt kiến thức cho những người quan tâm. Anh tâm niệm “đã đến lúc phải cho mọi người thấy rằng, tật nguyền cũng có thể chinh phục kiến thức của nhân loại, nếu cái đầu của họ không tàn phế”.
Tháng 4/2004, Hùng làm Giám đốc Cơ sở Đào tạo Tin học và Ngoại ngữ Nhân đạo Công Hùng. Tại đây có hàng trăm học sinh đến học. Ngoài các em học sinh bình thường còn có nhiều học sinh khuyết tật, học sinh nghèo và tất cả được đào tạo miễn phí (chỉ cần có giấy giới thiệu của chính quyền địa phương hoặc linh mục quản sứ). Học sinh lớp Hùng ngoài các bạn khuyết tật được học miễn phí còn có nhiều bạn học bình thường. Các bạn khuyết tật học rất chăm chỉ, ai cũng muốn có một nghề tự kiếm sống. Thấy vậy, các bạn học sinh bình thường phải cố gắng hơn để không bị thua kém các bạn khuyết tật. Hai phe thi đua ngầm, tạo không khí thi đua trong lớp học.

Những dấu ấn dài của một cuộc đời ngắn ảnh 2Nguyễn Công Hùng trong sinh nhật lần thứ 30.
Trong nhóm học trò của Hùng có Nguyễn Thị Vân, sinh năm 1987. Bị hai tay co quắp, lại thêm khối u làm lưng còng xuống nhưng hằng ngày Vân vẫn học, cập nhật thông tin cho 8 trang web. Vân từng đạt học sinh giỏi môn Anh văn của tỉnh năm học 2001-2002, giải nhất môn cờ tướng Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Nghệ An… Nguyễn Minh Phú mất hai tay nhưng sau mấy tháng học nghề đã đánh máy vi tính thành thạo bằng mười ngón chân… Nguyễn Thị Xuân, phải đi bằng hai chiếc ghế con do hai bàn chân quắp về phía sau, bốn ngón trên hai bàn bị dính, đến cơ sở của Hùng năm 2005 sau trở thành giáo viên chính của Trung tâm…

Hùng cho biết cơ sở này đào tạo được hơn 100 em có hoàn cảnh như mình, giúp họ thành thạo vi tính để tìm kiếm công việc ổn định.
Cùng với việc giúp đỡ những bạn cùng hoàn cảnh, Hùng bắt đầu viết báo. Tháng 10/2003, bài báo đầu tiên của Hùng gửi đến tạp chí E.Chip và được đăng. Cứ đều như vậy, mỗi tuần Hùng gửi bài đến E.chip.

Ngoài ra, Hùng còn bận rộn trả lời thư, giải đáp thắc mắc về máy tính. Hằng ngày, Hùng nhận được hàng chục thư, chủ yếu nhờ giải quyết những sự cố máy tính. Ngoài việc dạy trực tiếp, anh còn hướng dẫn, tư vấn qua điện thoại, web, email, hoặc nơi nào chưa có Internet thì anh gõ văn bản in ra rồi gửi qua bưu điện. Có nhiều người Hùng chưa gặp mặt nhưng thư từ qua lại thân thiết. Những lá thư được gửi từ: Quảng Ninh, Bắc Ninh, Sơn La, Nha Trang, Buôn Mê Thuột… Có cả thư của bộ đội Trường Sa, cảm phục nghị lực của Hùng.

Tập đoàn Sara Việt Nam chọn Hùng làm đại diện, cung cấp domail, hosting và thiết kế website. Trang web www.conghung.com ngày càng thu hút lượng truy cập lớn. Hùng trở thành thành viên chính thức của “Lam Hồng new” (trang web của hội đồng hương Nghệ Tĩnh – songlam.com.vn). Ngoài ra, Hùng còn tham gia đóng góp tích cực cho nhiều trang web dành cho người khuyết tật.

Tháng 5/2005, Nguyễn Công Hùng được Trung tâm đào tạo và nâng cao – Liên hiệp Khoa học Sản xuất phát triển miền Trung đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tặng bằng khen và huy hiệu Vì sự nghiệp khoa học và công nghệ. Cũng trong thời gian này, Hùng được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam (Vietbooks) đưa vào “Danh mục đề xuất kỷ lục Việt Nam” về “Người khuyết tật đầu tiên làm giám đốc”.

Tháng 6/2005, Hùng làm việc cho Tập đoàn Sara Việt Nam với công việc quản trị cho các website của tập đoàn này. Cuối năm 2005, hàng loạt vinh quang đến với Hùng: Tạp chí E.Chíp trao giải Hiệp sĩ công nghệ thông tin. Đài truyền hình Việt Nam trao kỷ niệm chương Người đương thời, Bằng khen của Tổng Hội Điạ chất Việt Nam… Tháng 8/2006, Hùng vinh dự nhận giải thưởng Mãi mãi tuổi hai mươi; tháng 12/2006, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Hội Bảo trợ người tàn tật về trẻ mồ côi Việt Nam trao giải thưởng Alaxan – chiến thắng nỗi đau. Cũng năm 2006, anh được vinh danh là 1 trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu.

Không chỉ có nghị lực vươn lên trong cuộc sống, Hùng còn có một tấm lòng nhân ái. Từ mong muốn giúp đỡ nhiều người hơn, chia sẻ với những người tàn tật trên cả nước, năm 2008, Nguyễn Công Hùng và nhóm bạn bè thành lập Trung tâm “Nghị lực sống” để giới thiệu, hướng nghiệp, đào tạo nghề miễn phí cho người khuyết tật. Trung tâm góp phần đào tạo việc làm cho hơn 600 học viên. Hùng cũng cùng các thành viên của trung tâm thường xuyên tổ chức các hoạt động thiện nguyện. Trên Facebook của Nguyễn Công Hùng còn lưu giữ nhiều hình ảnh những chuyến đi từ thiện, từ Hà Giang đến Tây Nam bộ. Và trong một chuyến đi như thế, Nguyễn Công Hùng đột ngột qua đời. Anh mất ngày 31/12/2012 khi đang trên hành trình về với miền Tây Nam bộ.

Năm 2005, Nguyễn Công Hùng được Tạp chí E.Chíp trao giải Hiệp sĩ công nghệ thông tin. Đài Truyền hình Việt Nam trao kỷ niệm chương Người đương thời, Bằng khen của Tổng hội Địa chất Việt Nam. Tháng 8/2006, Hùng vinh dự nhận giải thưởng Mãi mãi tuổi hai mươi; tháng 12/2006, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Hội Bảo trợ người Tàn tật và Trẻ mồ côi Việt Nam trao giải thưởng Alaxan – chiến thắng nỗi đau. Cũng năm 2006, anh được vinh danh là gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu.