Nhà văn nữ Trần Trà My: Khi người khuyết tật đi gieo hạt giống tâm hồn.

Sinh năm 1986 tại Đông Hà, Quảng Trị trong gia đình có 4 anh chị em, Trần Trà My không may mắn bị khuyết tật ở chân trong một lần sốt cao co giật. Cô không thể đến trường, trong suốt 20 năm chỉ ở nhà và tự ti về bản thân mình. Khi biết đọc biết viết những chữ đầu tiên, cô bắt đầu đọc sách và 14 tuổi cô bắt đầu sáng tác thơ. Đến năm 21 tuổi, Trà My viết những câu chuyện của mình trên chiếc máy tính chỉ bằng một ngón tay.

Khuyết tật cơ thể nhưng không khuyết tật về tâm hồn

Chứng kiến nỗ lực vươn lên của nữ nhà văn Trần Trà My, bất cứ ai cũng phải cảm phục. Từ một cô gái sinh ra nơi mảnh đất nghèo miền Trung, với “vốn liếng” là đôi chân bị liệt và bàn tay chỉ cử động được 1 ngón, Trà My đã làm nên điều phi thường. Vốn sinh ra khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác, thế nhưng bất hạnh bất ngờ ập đến căn nhà nhỏ của Trà My tại Đông Hà – khi My chỉ mới 3 tháng tuổi. Khi ấy, trên cơ thể Trà My bắt đầu nổi những chấm li ti và ngày một nặng hơn và phải nhập viện phẫu thuật. Trà My xuất viện với chân bị teo ngắn lại không thể tự di chuyển, bàn tay co quắp khó cầm nắm, còn giọng nói không được tròn vành rõ tiếng, chỉ có thể ú ớ trong miệng, đôi tay cũng chỉ còn một ngón cử động được.

Không được đến trường, không thể tham gia các hoạt động khác như mọi người, lớn lên cùng một cơ thể khiếm khuyết nhiều lúc Trà My cũng không tránh khỏi suy sụp, thất vọng và đôi lúc cô cũng có những suy nghĩ bi quan. Nhưng niềm say mê với nghệ thuật ngôn từ đã vực dậy cô. Người thầy đầu tiên dạy chữ cho Trà My lại chính là em gái cô. Bằng sự tự học và nghị lực phi thường, cô bé biết đọc, biết viết, cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh, biết sử dụng máy tính và dần dà biết làm thơ viết văn. Viết như để nói ra những ước mơ, khát khao không thể ngân lên thành tiếng của mình.

Khi biết đọc biết viết những chữ đầu tiên, cô bắt đầu đọc sách và 14 tuổi cô bắt đầu sáng tác thơ. Bước ngoặt đã đến với cô khi: “Bài tản văn đầu tiên của tôi được phát trên Đài PT-TH tỉnh Quảng Trị, giây phút ấy, trong tôi như “bừng sáng niềm hy vọng. Tôi đã tìm thấy rồi – niềm vui từ văn chương” – Nhà văn Trà My tâm sự. Từ đó, Trà My bắt đầu chìm đắm trong thế giới văn chương với những câu chuyện thấm đẫm tính nhân văn… Đến năm 21 tuổi, Trà My viết những câu chuyện của mình trên chiếc máy tính chỉ bằng một ngón tay.

Người khuyết tật đi gieo hạt giống tâm hồn

Năm 2007, cô gái Trần Trà My rời mảnh đất nắng gió Quảng Trị và vào miền Nam lập nghiệp. Trà My sống bằng cách viết văn, viết báo. Không chỉ vậy, chị còn học thêm nhiều lớp nghiệp vụ về truyền thông để làm thêm. Vừa học vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm cuộc sống vừa trui rèn khả năng viết văn. Đến nay, nhà văn Trà My đã có gần 12 năm sống tự lập ở Sài Gòn – tự mình chăm sóc bản thân, tự mình mày mò học tập trau dồi kiến thức, kỹ năng cuộc sống, cô hiện đang viết sách và làm truyền thông.

Năm 2009, Trà My cho xuất bản cuốn sách “Giấc mơ đôi chân thiên thần” và được nhiều nhà phê bình đánh giá cao cũng như được những người yêu văn học đón nhận. Chia sẻ về quãng thời gia đó nhà văn Trà My tâm sự: “Cuốn sách đầu tay tôi phải mất 2 năm tự đi tìm nhà xuất bản, họ không tin sẽ bán được sách do một cô gái khuyết tật viết. Cũng chính nhờ sự nghi ngờ ấy, tôi có cơ hội mài giũa ngòi bút, tiết chế cái tôi. Mọi thành quả đều được chứng minh bằng số lượng sách được bán ra thị trường.”

Đến nay sau hơn 12 năm, từ một cô gái khuyết tật đến từ quê nghèo miền Trung, với “vốn liếng” chỉ là… một ngón tay có thể cử động được để gõ phím, Trà My bây giờ đã trở thành nữ nhà văn năng động, nhiệt huyết và hiện đại. Từng cuốn sách của tác giả Trà My lần lượt được xuất bản: Giấc mơ đôi chân thiên thần (2009), Chúng ta chính là mùa xuân (2010), Yêu… trên từng ngón tay (2013), và mới đây nhất là cuốn Tin vào điều tử tế do NXB Văn hóa – Văn nghệ ấn hành.

“Giấc mơ đôi chân thiên thần” là tập hợp 20 truyện ngắn, được Trà My sáng tác trong suốt 6 năm trời. Những câu chuyện về sự sa đọa, hư hỏng của giới trẻ, chuyện ngoại tình, sự kỳ thị giàu nghèo, sang hèn trong xã hội… chứ không chỉ quẩn quanh trong nỗi đau của cô gái tật nguyền. Nhưng mỗi chi tiết, mỗi cách nhìn, sự quan sát của tác giả đều bộc lộ cảm nhận của một trái tim nhân ái, giàu lòng trắc ẩn. Trà My cũng không ngần ngại bộc lộ mình, không ngần ngại hé lộ những giấc mơ còn dang dở.

“Chúng ta chính là mùa xuân” gồm những tản văn ngắn và truyện ngắn vốn đã từng được đăng trên các báo Tuổi Trẻ hay Văn nghệ Quân đội, Mực Tím, Giác Ngộ… Tất cả đều thể hiện những suy ngẫm của chính tác giả về tuổi trẻ, gia đình, tình yêu, niềm tin cuộc sống và khát vọng được giúp ích cho đời…Và mỗi truyện ngắn trong tuyển tập “Yêu…trên từng ngón tay” đề cập đến những vấn đề nhức nhối của xã hội hiện đại; đó là những ông bố bà mẹ trẻ mải mê kiếm tiền đến mức những đứa trẻ lầm tưởng bà giúp việc là mẹ mình; hay câu chuyện đôi vợ chồng luôn khao khát sinh một đứa con… và có lúc đó là mối tình đẹp, trong sáng, chỉ cần một cái nắm tay là đủ.

“Tin vào điều tử tế” là tập truyện mới được nữ nhà văn xuất bản và nhanh chóng tiêu thụ được hơn 7.000 bản chỉ trong vòng 6 tháng. Tập truyện ngắn dày hơn 100 trang, viết về những câu chuyện nổi cộm của xã hội trong vòng vài năm qua, được Trần Trà My viết lên sau những chuyến đi trải nghiệm, gặp gỡ phỏng vấn những nhân vật có thật trong cuộc sống. Bằng lối viết ngắn gọn súc tích và có đôi chút thẳng thắn, “Tin vào điều tử tế” đã chạm đến trái tim của rất nhiều độc giả trên khắp cả nước Trần Trà My chia sẻ: “Tôi tin người xấu không phải vì họ xấu, mà họ bị tổn thương trong tiềm thức, không biết cách chữa lành. Họ rơi vào bế tắc, không ai giúp, và họ buộc phải làm điều xấu. Tôi mong có thể tưới những giọt nước bé xíu, giúp họ thay đổi, thấm dần những hạt mầm đó và nảy nở những điều tử tế trong con người các phạm nhân”.

Dẫu sức khỏe không tốt như người bình thường, luôn phải nhờ vào xe đẩy mới di chuyển được, nhưng Trà My thường xuyên đi từ Bắc vào Nam để tham gia các chương trình của riêng mình cũng như các dự án cộng đồng. Không dừng lại ở việc xuất bản sách, Trần Trà My đã và đang thực hiện dự án “Mang sách đến các trại giam”. Hiện, cô đã đưa 200 cuốn sách đến trại giam số 6 (Nghệ An), trại giam Xuyên Mộc (Bà Rịa – Vũng Tàu) và hai trại giam ở Quảng Trị, qua sự giúp sức của bạn bè và độc giả. Thời gian tới, cô sẽ tiếp tục đưa sách đến hai trạm giam khác. Trà My còn tham gia nhiều hoạt động xã hội có ý nghĩa khác. Trà My cũng là người đồng sáng lập quỹ “Giấc mơ đôi chân thiên thần”, giúp đỡ người khuyết tật yêu văn chương, làm đại sứ thiện chí cho nhiều chương trình thiện nguyện.