Lạm phát Anh cao kỷ lục trong 41 năm qua

Ngày 16/11, Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) công bố số liệu cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) – thước đo lạm phát trong tháng 10 vừa qua tại Anh đã tăng lên 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức tăng cao nhất kể từ tháng 10/1981.

Theo ONS, nguyên nhân chính khiến lạm phát tăng cao đến từ giá năng lượng và thực phẩm. “Vào tháng 10, trung bình các hộ gia đình đang phải trả nhiều hơn 88,9% so với một năm trước cho điện, khí đốt và những loại nhiên liệu khác”, ONS cho biết.

So với tháng 9, CPI của Anh tăng 2% trong tháng 10. Chi phí nhà ở và các dịch vụ hộ gia đình, bao gồm chi phí nhiên liệu ghi nhận mức tăng chưa từng có 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Hồi tháng 9, mức tăng của nhóm này chỉ là 9,3%.

Cũng theo ONS, giá lương thực và đồ uống không cồn đang tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1977, ảnh hưởng nhiều nhất tới những người có thu nhập thấp nhất. Chỉ số giá của nhóm này tăng 16,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá năng lượng đã tăng vọt tại châu Âu sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine cùng với việc Moskva siết chặt nguồn cung khí đốt sang châu lục này. Giá cả leo thang đã tác động nghiêm trọng tới người dân và doanh nghiệp tại Anh.

Trước đó, hôm 3/11, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cảnh báo Anh đang đối mặt với cuộc suy thoái dài nhất từ trước đến nay. Suy thoái kinh tế dự kiến kéo dài đến năm 2024. BoE mô tả tình hình hiện tại của kinh tế Anh “rất thách thức”. Cơ quan này nhấn mạnh tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng gấp đôi lên 6,5% trong cuộc suy thoái kéo dài 2 năm.

BoE dự báo GDP của Anh sẽ giảm khoảng 0,75% trong nửa cuối năm 2022. Thu nhập thực tế của các hộ gia đình lao dốc vì giá năng lượng và hàng hóa tăng cao. BoE đã tăng lãi suất 0,75% vào đầu tháng này, đưa lãi suất cơ bản lên 3%.

Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt dự kiến sẽ công bố chương trình nghị sự chính sách tài khóa mới trong tuần này. Theo đó, giới chức dự kiến tăng thuế và cắt giảm chi tiêu. Thủ tướng Rishi Sunak đã cảnh báo rằng cần phải đưa ra “những quyết định khó khăn” để ổn định nền kinh tế đất nước