Hiệu ứng “quá giới hạn”

Có bao giờ bạn thử tự lý giải cảm xúc của bản thân chưa? Hằng ngày chúng ta đang phải trải qua rất nhiều cảm xúc khác nhau, từ tích cực đến tiêu cực, và để có thể tồn tại thì con người sẽ tự phản ứng lại những cảm xúc đó theo những cách khác nhau. Từ đó hình thành các Hiệu ứng tâm lý, được các nhà khoa học lý giải và ghi chép lại. Hãy cùng tìm hiểu một hiện tượng tâm lý mà chúng ta thường hay gặp trong cuộc sống, đó là Hiệu ứng Quá giới hạn.

 

Giới thiệu hiệu ứng quá giới hạn

Hiệu ứng quá giới hạn, hay tên gọi khác là hiệu ứng siêu hạn. Đây là hiện tượng tâm lý có phần tiêu cực của con người xảy ra khi bị kích thích quá nhiều, quá mạnh và thời gian tác dụng quá lâu sẽ dẫn đến tâm lý cực kỳ khó chịu và phản kháng. Bất kì ai dưới sự tác động của kích thích lớn vậy đều sẽ bị tác động của hiệu ứng tâm lý này.

Mô tả về hiệu ứng quá giới hạn

Nhà văn học nổi tiếng nước Mỹ – Mark Twain là một ví dụ cho hiệu ứng này. Có lần ông đi nhà thờ và nghe vị mục sư giảng, ban đầu bài giảng đầy thú vị vì thế ông đã dự định quyên góp tiền. Nhưng 10 phút trôi qua, ông bắt đầu mất kiên nhẫn dần và quyết định sẽ góp ít tiền lại. Qua 10 phút nữa, vị mục sư tiếp tục giảng và ông không quyên góp tiền nữa.

Mark Twain đã bị kích thích trong thời gian dài, không chịu đựng được và điều đó đã khiến ông thay đổi ý định của mình. Đây là cách mà hiệu ứng quá giới hạn được phát hiện. Từ đó, người ta thường giảm bớt tình trạng kích thích, nhắc lại thái quá một vấn đề để tránh hiệu ứng này sinh ra làm ảnh hưởng đến tâm lý.

Hiệu ứng siêu hạn cũng thường xảy ra trong việc giáo dục, gia đình. Ví dụ như khi đứa con phạm lỗi, bố mẹ cứ nhắc đi nhắc lại chuyện đó cùng lời khiển trách sẽ khiến đứa con từ buồn bã bất an chuyển sang mất kiên nhẫn, thậm chí chán ghét. Một khi bị “bức” quá thì sẽ xuất hiện tâm lý và hành vi phản kháng kiểu “lần sau mình sẽ làm vậy nữa”. Tương tự việc con cái phản ứng với cha mẹ. Khi con cái làm việc gì sai, cha mẹ sẽ nhắc nhở. Nhưng trong trường hợp mắc lỗi quá nhiều và vượt quá giới hạn chịu đựng của cha mẹ, họ có thể sinh ra những phản ứng như bực bội, khó chịu, la mắng.

Ứng dụng của hiệu ứng quá giới hạn

Hiểu được quy luật và sự ảnh hưởng của hiệu ứng này lên tinh thần, hành động của con người, chúng ta cần phải đưa ra phương hướng và cách hành xử đứng đắn. Đặc biệt trong việc hướng dẫn và giáo dục con cái, sự khiển trách và đánh giá của cha mẹ nên trong giới hạn kiểm soát. Đừng nên nhắc mãi đến lỗi lầm mà hãy thay đổi cách nói, góc độ nếu trẻ phạm lại lỗi và nên được nhắc nhở để rút kinh nghiệm. Như thế trẻ mới không cảm thấy mãi bị bắt lỗi mà sinh ra chán ghét, phản nghịch.

Trong vấn đề giáo dục học đường, để hạn chế hiệu ứng này, giáo viên được khuyên là không nên quá tạo áp lực cho học sinh, áp lực trong thời gian dài sẽ khiến học sinh sinh ra tâm lý phản kháng, chống đối. Giáo viên nên kết hợp giữa học tập và vui chơi, nhằm giảm bớt căng thẳng cho học sinh, từ đó nâng cao kết quả học tập và chất lượng giáo dục.