3 quy tắc cần nhớ về việc giúp đỡ người khác

Đây là những lời của CamMi Phạm, một blogger thành công, người đặt ra các quy tắc về giúp đỡ mọi người trong cuộc sống.

Ảnh minh họa


Mẹ tôi dạy tôi rằng: “Đừng bao giờ cố gắng đưa ra lời khuyên hay cố gắng giúp đỡ bất cứ ai khi mà họ yêu cầu.” Tôi đã luôn nghĩ rằng có lẽ mẹ tôi hơi vô tâm hoặc thuộc tuýp người lạnh lùng. Nhưng khi trưởng thành, tôi bắt đầu nhận ra rằng bà đã đúng. Mẹ tôi là một trong những người tốt bụng nhất trên đời, ít nhất là đối với tôi.


Xã hội luôn luôn nhấn mạnh về sự cần thiết trong việc giúp đỡ mọi người. Và tôi cũng luôn tâm niệm rằng bản thân sẽ làm tốt điều đó!
Ai đó nói với bạn rằng bạn nên giúp đỡ người khác vô điều kiện, kể cả khi họ không mong đợi. Tất nhiên là sự tử tế có thể thay đổi cuộc sống của một người trong nhiều trường hợp. Tuy nhiên, bất cứ sự việc nào cũng đều có hai mặt của nó.
Không phải mọi thứ đều xấu. Tương tự như vậy, không phải mọi thứ đều tốt. Nghĩa là việc giúp đỡ mọi người không phải là điều tồi tệ, và chẳng phải lúc nào cũng là điều tuyệt vời. Dưới đây là những lý do tại sao tôi dừng lại việc giúp đỡ tất cả mọi người, và tôi khuyên bạn cũng nên như thế:
1. Đừng giúp đỡ người không xứng đáng nhận sự trợ giúp từ bạn
“Khi bạn trưởng thành, bạn sẽ phát hiện ra rằng bạn có hai bàn tay, một là để giúp đỡ chính mình, và một là để giúp đỡ những người khác.” – (Sam Levenson)
Trong quá khứ, khá nhiều lần người ta mời tôi đi uống cà phê chỉ để “tận dụng chất xám của tôi”. Nếu đó là một người giàu có, với số tiền đáng mơ ước trong các tài khoản ngân hàng, vậy mà họ vẫn muốn “tận dụng” não bộ của tôi một cách free (miễn phí) thì rõ là không thể chấp nhận được. Thậm chí, họ còn không bận tâm trả tiền cà phê cho tôi.

Họ không hiểu rằng tôi cũng có một gia đình để nuôi, có những hóa đơn cần chi trả hàng tháng, và có cả những khoản nợ đã đến kỳ thanh toán. Họ không nhận ra rằng để dành thời gian cho việc đi cà phê với họ, tôi sẽ phải bù lại khoảng thời gian đã mất đó và làm việc tới tận 2 giờ sáng.
Nếu họ không nghĩ rằng thời gian của tôi là có giá trị, thì tôi cũng sẽ không dành thời gian cho họ! Cho nên, nếu ai đó không quan tâm tới bạn, thì bạn không cần phải giúp đỡ họ. Bởi vì họ không xứng đáng nhận được sự giúp đỡ đó.
Bây giờ khi một ai đó cần sự giúp đỡ, tôi sẽ đưa ra một mức giá được cho là phù hợp với đôi bên. Điều này nghe có vẻ hơi “thực dụng”, nhưng ít ra cũng sẽ làm cho cuộc sống của tôi dễ dàng hơn và tôi hạnh phúc hơn khi biết sự giúp đỡ của mình được ghi nhận bằng một giá trị cụ thể nào đó. Cũng chính vì vậy mà mọi người sẽ suy nghĩ nghiêm túc hơn trước khi họ quyết định yêu cầu điều gì đó từ tôi. Nếu ai đó không thể đủ khả năng để chi trả, tôi thường cung cấp cho họ những sự lựa chọn phù hợp hơn.
Mọi người sẽ luôn luôn cố gắng để khai thác bạn nếu bạn cho phép họ. Nhưng thực tế là bạn không có thời gian để giúp đỡ tất cả mọi người, vậy nên hãy chỉ giúp những người xứng đáng được giúp đỡ từ bạn mà thôi. Và tôi có hai quy tắc dành cho bạn:
Quy tắc 1: Không bao giờ cung cấp bất cứ thứ gì miễn phí.
Quy tắc 2: Không bao giờ quên quy tắc 1.
Hãy nhớ rằng, người đầu tiên bạn cần phải giúp đỡ là CHÍNH BẠN! Nếu giúp mọi người không làm cho bạn cảm thấy vui vẻ và thoải mái, thì đơn giản là bạn không cần phải làm điều đó.
Đôi khi bạn cần phải là ích kỷ và đặt mình quan trọng hơn bất cứ ai. Bỏ qua những gì xã hội đang thúc giục bạn làm đi, vì xã hội không hề chịu trách nhiệm cho cuộc sống của bạn. Bạn nghèo đói hay giàu sang, xã hội cũng mặc kệ!
2. Đừng giúp đỡ người không đánh giá cao sự trợ giúp của bạn
Nhược điểm lớn nhất của tôi là tôi luôn muốn giúp đỡ mọi người. Tôi giúp mọi người kể cả khi không biết họ có yêu cầu hay không. Nhưng bạn không bao giờ biết khi nào lòng tốt ấy có thể làm tổn thương đến bạn.
Một khách hàng cũ của tôi đang gặp trục trặc trong việc kinh doanh. Tôi cùng các chiến hữu trong team của mình đã dành một vài ngày phân tích tất cả các dữ liệu để tìm ra những vấn đề tồn tại.
Đó không phải là công việc của chúng tôi và chúng tôi cũng không hề yêu cầu họ chi trả cho điều đó. Chúng tôi chỉ làm vì chúng tôi quan tâm đến sự thành công của khách hàng. Team của tôi đã tìm thấy một số vấn đề nghiêm trọng với mô hình kinh doanh và chiến lược của vị khách hàng đó. Nhưng khi chúng tôi nêu ra các vấn đề, vị khách hàng đã nổi giận.

Chúng tôi đã làm điều đó xuất phát từ lòng tốt, và khi chúng tôi nói với khách hàng những gì họ không muốn nghe, lập tức, chúng tôi bị chỉ trích hoặc ghét bỏ. Chỉ vì chúng tôi đã cho ý kiến ​​chuyên môn của mình.
Cách dễ nhất để biến bạn bè của bạn thành kẻ thù là cung cấp cho họ những lời khuyên mà họ không muốn nghe.
Khi tôi muốn giúp đỡ một người nào đó, nghĩa là tôi thực sự mong muốn làm điều đó. Nhưng nhiều khi, mọi người không sẵn sàng chấp nhận sự giúp đỡ của tôi. Cũng dễ hiểu. Bởi tất cả mọi thứ đều cần có thời gian để thay đổi và hầu hết mọi người đều không dễ dàng đối mặt với những sự thật tiêu cực.
Vì vậy mà tôi khuyên bạn không nên cung cấp lời khuyên khi mọi người chưa sẵn sàng tiếp nhận nó. Rất có thể vào một ngày nào đó, họ sẽ trở nên cáu kỉnh và đổ lỗi ngược lại cho bạn chỉ vì công việc của họ không đạt được kết quả như mong đợi.
Đó cũng là lý do mà tôi chẳng bao giờ nhận giúp đỡ một ai nữa khi mà cảm thấy họ có vẻ không thật sự tôn trọng lòng tốt và sự nhiệt thành của tôi. Và ít ra thì như thế cũng có nghĩa là tôi sẽ có nhiều thời gian hơn cho bản thân mình.
3. Đừng giúp đỡ người khác nếu bạn không đủ khả năng
Đây là một trong những điều quan trọng nhất. Giúp đỡ một ai đó khi bạn không đủ khả năng là điều vô cùng tồi tệ. Tôi đã làm điều này rất nhiều lần, và đến ngày hôm nay tôi vẫn hối tiếc vì đã làm điều đó.
Một vài năm trước, cha mẹ tôi đi nước ngoài và yêu cầu tôi chăm sóc ngôi nhà của họ, tôi đã gặp khó khăn trong việc chăm sóc cây cảnh. Có khi tôi tưới chúng quá đẫm, nhưng cũng có khi tôi để chúng khô hạn.

Một tháng sau khi cha mẹ tôi trở lại, tất cả các cây đều đã chết. Nếu tôi không nhận lời với họ, có lẽ một người sành sỏi về chăm sóc cây cảnh sẽ được thuê để làm điều đó. Và như vậy thì đám cây cảnh của cha tôi sẽ không bị chết thê thảm. Sau lần ấy, cho tới tận bây giờ, cha tôi đã không yêu cầu tôi chăm sóc cây cảnh thêm một lần nào nữa.
Hãy nhớ, sự nhiệt tình cộng với sự ngu dốt chính là sự phá hoại!
Cung cấp sự trợ giúp khi bạn không thể làm tốt công việc sẽ là lợi bất cập hại. Bạn sẽ khiến cho mọi người bỏ lỡ cơ hội để tìm sự giúp đỡ khác tốt hơn. Và lòng tốt của bạn cũng có thể làm tổn thương người khác, trong một số trường hợp. Một trong những cách dễ nhất để tiêu diệt một mối quan hệ là cố gắng trao đi sự giúp đỡ vượt quá khả năng của mình.
Vậy nên, đừng quá dễ dàng gật đầu trước khi nhận một yêu cầu trợ giúp nào. Hãy suy nghĩ thật kỹ! Bởi một hành động ngẫu nhiên của sự tử tế có thể thay đổi cuộc sống của một ai đó, nhưng nó cũng có thể phá hủy cuộc sống của một ai đó.
Theo Trí Thức Trẻ